top of page

Fukui – Một Ngày, Ba Trải Nghiệm, Nhiều Bài Học

Đã cập nhật: 6 ngày trước

Đây là lần thứ hai tôi đến Fukui, nhưng chuyến đi lần này rất khác – vì đi cùng công ty, và mục đích không chỉ là nghỉ ngơi hay tham quan, mà còn để trải nghiệm và học hỏi điều gì đó mới mẻ. Trong suốt hành trình, chúng tôi dừng lại ở ba địa điểm. Điểm đầu tiên là một cửa hàng kiêm xưởng làm đũa sơn mài. Điểm thứ hai là một cơ sở nhỏ chuyên làm Heshiko – món đặc sản của vùng. Và điểm cuối cùng là một xưởng rèn dao truyền thống, nơi chúng tôi được khám phá không chỉ tay nghề mà cả bề dày văn hoá gắn liền với nghề này.

Trong bài viết này, tôi sẽ kể lại từng điểm chúng tôi đã ghé, cùng với những điều nhỏ bé mà tôi học được trên đường đi. Cả chuyến đi giống như một bất ngờ lớn. Chúng tôi chỉ biết giờ tập trung, biết sẽ đi Fukui, và rằng sẽ có xe bus đưa đi. Không có lịch trình chi tiết – không biết sẽ ghé đâu, làm gì, ăn gì. Chính điều đó lại khiến tôi càng tò mò hơn, không biết phía trước sẽ là trải nghiệm như thế nào. Lúc đầu tôi cũng không kỳ vọng nhiều, vì chẳng có gì cụ thể để chờ đợi. Nhưng có lẽ cũng vì vậy mà từng điều nhỏ xảy ra lại trở nên đáng nhớ hơn rất nhiều.

 

🥢 Trải Nghiệm Làm Đũa Sơn Mài – Học Văn Hóa Từ Những Điều Tưởng Như Nhỏ Nhất

Cơ sở: Seiwa 箸匠せいわ

Địa chỉ: 35-1 Obamaarayo, Obama, Fukui 917-0241, Japan

Quá trình mài chỉnh chiếc đũa để lộ ra những lớp màu sắc và hoa văn độc đáo phía bên trong, tạo nên vẻ đẹp tinh xảo cho từng đôi đũa.
Quá trình mài chỉnh chiếc đũa để lộ ra những lớp màu sắc và hoa văn độc đáo phía bên trong, tạo nên vẻ đẹp tinh xảo cho từng đôi đũa. Hình: Bean JP

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là một cơ sở sản xuất đũa sơn mài nổi tiếng tại thành phố Obama – nơi chiếm tới 80–90% sản lượng đũa sơn mài toàn Nhật Bản.

Sau khi được chào đón, mỗi người trong đoàn được chọn một cặp đũa. Ban đầu tôi không biết để làm gì, vì không hề được báo trước. Nhưng rồi mới biết, đây chính là nguyên liệu cho workshop làm đũa ngay sau đó.

Chúng tôi bước vào một căn phòng rộng, với màn hình lớn phía trước và hàng ghế dài xếp ngay ngắn. Một chú hướng dẫn viên rất thân thiện bắt đầu chia sẻ về cách sử dụng đũa đúng chuẩn Nhật Bản, và tổ chức một trò chơi hỏi đáp vui nhộn. Có những câu hỏi tưởng đơn giản mà ngay cả người Nhật cũng trả lời sai. Ví dụ như:

  • Trong phần quiz, có một câu hỏi khá thú vị: “Có nên nâng chén nước chấm lên khi ăn không?” – nhiều người nghĩ là không, nhưng thực ra hoàn toàn được.

  • Một câu hỏi khác cũng gây bất ngờ: “Khi gắp sushi, có nên đưa tay đỡ bên dưới để tránh làm rơi không?” – phản xạ này tưởng là lịch sự, nhưng trong quy tắc bàn ăn Nhật thì không nên làm như vậy. Việc đưa tay đỡ được xem là không đúng với chuẩn mực trong cách ăn uống truyền thống.

Câu đầu tiên tôi trả lời đúng, nhưng câu thứ hai thì lại sai – vì bản thân tôi cũng hay có thói quen đưa tay đỡ bên dưới khi ăn sushi, sợ làm rơi. Giờ thì tôi đã hiểu: cách đó không phù hợp với văn hóa bàn ăn Nhật. Một câu hỏi ngắn nhưng là một bài học hay, và tôi chắc chắn sẽ ghi nhớ để điều chỉnh trong những lần ăn sushi sau này.

Tiếp theo, chúng tôi đến khu vực máy mài. Chiếc đũa ban đầu nhìn rất đơn giản, nhưng khi mài nhẹ lớp phủ bên ngoài, từng lớp màu sắc ẩn hiện dần ra – tạo nên hoa văn độc đáo cho từng đôi đũa. Trên tường có bảng hướng dẫn các kiểu hoạ tiết bạn có thể tạo ra, nhưng tôi thì không theo mẫu nào cả – cứ mài theo cảm hứng. Cuối cùng, tôi có được một sản phẩm rất riêng: hoa văn hơi lộn xộn, lúc ngang lúc dọc, nhưng lại mang đúng tinh thần của người làm ra nó. Không quan trọng nó đẹp hay không – quan trọng là tôi đã tự tay làm ra đôi đũa của riêng mình.

Sau khi hoàn tất, mỗi người rửa sạch sản phẩm và được tặng một chiếc túi giấy để mang về. Tôi thấy đây là một cách rất hay để biến trải nghiệm thành một kỷ niệm thực tế – đơn giản, dễ làm nhưng lại đầy ý nghĩa.

Workshop kết thúc, chúng tôi bước vào khu vực mua sắm. Tôi chọn một cặp đũa vợ chồng “夫婦円満箸” – với lời chúc vợ chồng hòa thuận, hạnh phúc viên mãn. Đây sẽ là món quà nhỏ nhưng đầy ý nghĩa dành tặng cho đôi bạn thân của tôi ở Việt Nam.

Lúc ra quầy thanh toán, tôi chợt nhận ra cách họ thiết kế toàn bộ trải nghiệm vô cùng mượt mà: từ check-in → trải nghiệm workshop → đến quầy lưu niệm và cuối cùng là check-out. Mọi thứ diễn ra rất tự nhiên, không hề có cảm giác thúc ép mua hàng. Họ cho khách được trải nghiệm, học hỏi trước – rồi mới đến bước chọn món đồ phù hợp. Điều này hoàn toàn khác với kiểu tour thông thường, nơi mà vừa bước xuống xe là bị kéo vào khu mua sắm. Ở đây, sự tinh tế nằm ở chỗ đặt trọng tâm vào trải nghiệm khách hàng – để mỗi người đều có thể chọn món đồ thật sự mang ý nghĩa cá nhân, thay vì mua sắm theo kiểu cưỡng ép.


🐟 Khám Phá Món Ăn Lên Men Heshiko – Từ Xưởng Sản Xuất Đến Bàn Ăn

Cơ sở: Xưởng lên men Heshiko & Tiệm trà nhỏ (へしこ酵房・茶屋)

Địa chỉ: Mihama, Mikata District, Fukui

Các thùng chứa cá đang trong quá trình lên men, được nén bởi ba tảng đá tròn buộc chặt bằng dây lưới, nhằm đảm bảo áp lực đều cho việc thấm muối và cám gạo hiệu quả trong suốt một năm.
Các thùng chứa cá đang trong quá trình lên men, được nén bởi ba tảng đá tròn buộc chặt bằng dây lưới, nhằm đảm bảo áp lực đều cho việc thấm muối và cám gạo hiệu quả trong suốt một năm. Hình: Bean JP

Điểm đến tiếp theo là một xưởng nhỏ sản xuất Heshiko – món đặc sản địa phương làm từ cá thu ướp muối, rồi ngâm trong cám gạo và để lên men tự nhiên suốt một năm trời.

Chủ xưởng giới thiệu cho chúng tôi từng bước một cách tỉ mỉ: từ khâu cắt cá, ướp muối, xếp từng lớp cá vào thùng, đến công đoạn cuối cùng là đè đá lên để nén. Ngay trong kho, tôi thấy hàng chục thùng nhựa màu vàng xếp thẳng hàng. Mỗi thùng đều được phủ kín, bên trên là ba tảng đá tròn được buộc chặt bằng dây đan dạng lưới. Thoạt nhìn tưởng đơn giản, nhưng hóa ra đó là cách tạo áp lực đều để cá thấm muối và cám gạo trong suốt quá trình lên men kéo dài cả năm.

Không có máy móc. Không tiếng ồn. Chỉ có thời gian, sự kiên nhẫn và không gian mát mẻ, yên tĩnh. Mọi thứ đều thủ công, mộc mạc, nhưng lại đầy tính kỷ luật. Tôi đứng nhìn một lúc lâu, thầm nghĩ: một món ăn tưởng như nhỏ bé, nhưng để tạo nên hương vị đặc trưng ấy là cả một hành trình dài không thể rút ngắn.

Hiện tại ở khách sạn tôi làm việc, chúng tôi có phục vụ món này cho bữa sáng. Trước đây, tôi chỉ biết đó là một món cá ướp muối có độ mặn cao, hơi cay nhẹ nơi đầu lưỡi – nhưng không thực sự hiểu được đằng sau đó là cả một quá trình công phu. Giờ thì khác. Khi đã được tận mắt chứng kiến, tôi chợt nghĩ: nếu du khách biết rằng chỉ một lát cá nhỏ như vậy đã được lên men suốt một năm trời, họ sẽ ngạc nhiên đến mức nào? Tôi tin rằng, khi hiểu được câu chuyện phía sau, họ sẽ ghi nhớ mãi hương vị ấy – không chỉ bằng vị giác, mà bằng cảm xúc. Heshiko thật sự là một sản vật địa phương quý giá mà chúng tôi tự hào được mang đến cho khách lưu trú.

Sau phần tham quan, chúng tôi được mời ăn trưa ngay tại tầng 2. Một bữa ăn đặc biệt – toàn bộ đều được chế biến từ Heshiko.

Tất cả món ăn đều xoay quanh loại nguyên liệu tưởng quen mà rất đỗi đặc biệt này:

  • Chazuke Heshiko (茶漬け)

    Cơm trắng nấu mềm, chan nước trà nóng (thường là Hōjicha hoặc Genmaicha – hai loại trà nhẹ, thơm, rất hợp với món mặn như Heshiko), rắc thêm vỏ yuzu thái sợi và lá tía tô (shiso) thái nhỏ, ăn kèm Heshiko xé nhỏ.

  • Heshiko sashimi style

    Những lát cá Heshiko được thái mỏng như sashimi, ăn kèm lá tía tô và củ cải trắng thái lát. Hương vị lên men của cá kết hợp với vị the của tía tô và độ giòn mát của củ cải khiến món ăn vừa lạ miệng, vừa tinh tế.

  • Onigiri Heshiko chiên giòn

    Cơm nắm cuộn rong biển, không nhân, ăn kèm lớp bột chiên bên trong có nhân là Heshiko. Mềm – giòn – đậm đà vị biển. Một món ăn đơn giản nhưng cực kỳ bắt vị.

  • Cà chua bi và gừng hồng muối (gari)

    Ăn kèm để làm sạch vị giác, giúp cân bằng khẩu vị trong suốt bữa ăn.

  • Trà xanh nóng

    Kết thúc bữa ăn bằng tách trà nóng giúp trung hòa vị cá và hỗ trợ tiêu hoá – nhẹ nhàng, đúng phong cách Nhật.

Một bữa ăn đặc biệt – toàn bộ đều được chế biến từ Heshiko gọn nhẹ, đậm đà, tốt cho sức khoẻ – hoàn toàn phù hợp cho bữa sáng hoặc bữa tối muộn trước khi đi ngủ.
Một bữa ăn đặc biệt – toàn bộ đều được chế biến từ Heshiko gọn nhẹ, đậm đà, tốt cho sức khoẻ – hoàn toàn phù hợp cho bữa sáng hoặc bữa tối muộn trước khi đi ngủ. Hình: Bean JP

Bà chủ còn tốt bụng cho thêm Heshiko – thế là món Chazuke của tôi trở nên đậm đà khó cưỡng. Vốn dĩ tôi không thích kiểu cơm nấu mềm, rồi chan thêm nước trà như vậy (kiểu giống cháo trắng ăn với cá mặn ở Việt Nam) – nhưng món này thì lại hoàn toàn khác. Tôi vừa ăn vừa húp, vừa khen ngon. Cuối cùng không còn sót lại một giọt nào trong tô. Bữa ăn đơn giản, nhưng ngon đến bất ngờ – vừa đậm vị biển, vừa nhẹ nhàng dễ chịu. Đối với những ai không ăn được thịt nhưng vẫn ăn được cá, menu này là một lựa chọn lý tưởng. Gọn nhẹ, đậm đà, tốt cho sức khoẻ – hoàn toàn phù hợp cho bữa sáng hoặc bữa tối muộn trước khi đi ngủ.

Ở khách sạn chúng tôi, thỉnh thoảng cũng có những vị khách không ăn được thịt. Những lúc như vậy, một thực đơn chỉ xoay quanh Heshiko lại trở thành lựa chọn lý tưởng – vừa ngon, vừa đậm chất địa phương. Nghĩ đến điều đó, tôi tự hỏi: tại sao không thử giới thiệu món này nhiều hơn nữa?

Cuối cùng, sau bữa ăn, chúng tôi có cơ hội trò chuyện với bà chủ quán và người con gái – hai người rất đỗi thân thiện và đầy tâm huyết. Họ chia sẻ mong muốn được giới thiệu Heshiko đến nhiều người hơn, không chỉ trong vùng mà cả với du khách từ nơi khác.

Từ họ, tôi cảm nhận được một điều quan trọng: sự trân trọng với giá trị địa phương, với nghề truyền thống và với từng sản vật đặc trưng của vùng đất mình sinh sống. Và tôi tin, bất kỳ ai được nghe câu chuyện này, hoặc có một trải nghiệm tương tự như tôi, chắc chắn sẽ yêu quý món ăn này – một sản vật địa phương đầy cảm xúc, mang tên Heshiko.


🔨 Xưởng Dao Thủ Công – Khi Nghề Rèn Trở Thành Trải Nghiệm Văn Hóa

Cơ sở: Takefu Knife Village

Địa chỉ: 22-91 Yokamachi, Echizen, Fukui 915-0873, Japan

Triển lãm tầng trệt trưng bày lịch sử nghề rèn, với các bảng mô tả quy trình làm dao, nghi lễ truyền thống và sản phẩm thực tế như dao, kéo, liềm, và dụng cụ nông nghiệp.
Triển lãm tầng trệt trưng bày lịch sử nghề rèn, với các bảng mô tả quy trình làm dao, nghi lễ truyền thống và sản phẩm thực tế như dao, kéo, liềm, và dụng cụ nông nghiệp. Hình: Bean JP

Điểm dừng cuối cùng là một nhà máy sản xuất dao thủ công Takefu Knife Village – nơi hội tụ giữa kỹ thuật, tâm linh và nghệ thuật. Tôi nhận thấy đây là một khu phức hợp gồm nhà xưởng sản xuất và showroom bày bán sản phẩm được thiết kế dạng theo hình tam giác lạ mắt nổi bật ngay giữa khuôn viên rộng lớn.

Ngay trước showroom nhân viên của cơ sở đã có mặt để chào đón và hướng dẫn chúng tôi sang khu xưởng nhỏ nơi chuyên làm workshop trải nghiệm cho du khách đến tham quan. Buổi Workshop này không phải hướng dẫn cách làm dao thật mà chỉ mô phỏng bằng cách sử dụng các dụng cụ. Tất cả dụng cụ cần thiết đã được chuẩn bị sẵn đặt hết trên sàn nhà. Sau phần giải thích chi tiết cách làm, mỗi người nhận một chiếc thẻ kim loại tròn (có lỗ xâu dây làm móc chìa khoá), sau đó dùng búa và các khuôn chữ cái để dập từng chữ cái một cách thủ công. Nhìn thì tưởng đơn giản, nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy cần khá nhiều sự cẩn thận – không được nghiêng tay, không được mạnh quá, cũng không nhẹ quá. Mình đã dập lên đó dòng chữ “BEAN JP” – một cách nhỏ để đánh dấu kỷ niệm cá nhân trong chuyến đi này. Cảm giác được trực tiếp dùng chính những công cụ mà thợ rèn sử dụng hàng ngày, dù chỉ là một phần rất nhỏ trong quy trình làm dao, cũng đủ để khiến mình cảm nhận rõ hơn sự tỉ mỉ và công phu trong từng sản phẩm thủ công truyền thống.

Tiếp theo, chúng tôi tiến vào bên trong khu nhà xưởng. Chỗ lối vào dành cho khách tham quan được thiết kế như một bảo tàng sống, dẫn dắt chúng tôi đi qua ba tầng trải nghiệm – từ cảm nhận sản phẩm, đến quy trình sản xuất, rồi chạm đến chiều sâu tinh thần:

  • Bắt đầu từ tầng trệt, chúng tôi bước vào không gian trưng bày. Tại đây, tôi thấy nhiều bảng mô tả chi tiết lịch sử nghề rèn, nghi lễ truyền thống, quy trình làm dao và các sản phẩm thực tế không chỉ có dao mà còn cả kéo, liềm, dụng cụ nông nghiệp. Có cả một góc tái hiện nghi lễ bên bếp lửa với đầy đủ đạo cụ như búa, than, đe… rất sinh động và nhiều hình ảnh tư liệu. Không gian này giống như một bảo tàng thu nhỏ, giúp người tham quan hiểu được chiều sâu văn hóa và tinh thần của nghề thủ công này.

  • Lên thêm một tầng, không gian mở ra là khu vực đài quan sát. Từ đây, tôi có thể nhìn toàn cảnh khu sản xuất phía dưới – nơi các thợ rèn đang mài dao, xử lý kim loại và làm việc trong không khí rất tập trung. Máy móc, bàn làm việc, bánh mài đều xếp thẳng hàng theo từng khu. Không gian hơi bụi nhưng rất thực tế – không che giấu, không trưng bày cho đẹp mắt – đúng là một xưởng sản xuất đang vận hành thật sự.

  • Và cuối cùng, dẫn lối bằng chiếc cầu thang đỏ nổi bật, chúng tôi đến tầng trên cùng – nơi đặt miếu thờ tổ nghề. Chiyozuru Kuniyasu, một thợ rèn kiếm từ Kyoto đã đến vùng đất này hơn 700 năm trước để tìm nguồn nước tốt và gây dựng nên truyền thống dao rèn nổi tiếng của Echizen. Không gian miếu nhỏ nằm ở tầng cao nhất, được kết nối bằng một cầu thang sơn đỏ nổi bật, phía trước là sợi dây thừng lớn và hộp công đức. Họ vẫn giữ lễ hội truyền thống vào ngày 8 tháng 11 hằng năm để tri ân tổ nghề, một nghi lễ có từ thời Edo. Màu sắc trong khu vực này cũng mang ý nghĩa: xanh là nước, đỏ là lửa, vàng là sắt – ba yếu tố cơ bản tạo nên một con dao. Một chi tiết nhỏ nhưng đầy giá trị, thể hiện tinh thần tôn trọng truyền thống và gìn giữ di sản nhiều đời của người làm nghề.

Chỉ một không gian thôi mà dẫn dắt người tham quan đi từ cảm nhận về sản phẩm, đến quan sát quy trình thực tế, rồi kết thúc bằng chiều sâu tinh thần – cách làm này khiến tôi thấy thật trọn vẹn và đầy cảm xúc.

Sau khi tham quan xưởng sản xuất, chúng tôi được dẫn tới khu showroom Takefu Knife Village – một tòa nhà hiện đại với thiết kế hình tam giác lạ mắt, nổi bật giữa khuôn viên rộng lớn. Bước vào bên trong là một không gian ngập sáng, trưng bày các sản phẩm dao thủ công tinh xảo trong tủ kính, cùng nhiều vật dụng nhà bếp, phụ kiện dao và cả khu vực quà lưu niệm.

Ấn tượng nhất là khu trưng bày nghệ thuật “REFLECTION” – nơi những con dao được treo lơ lửng trong không gian gương kính, tạo nên hiệu ứng phản chiếu từ nhiều phía. Không gian vừa hiện đại vừa tối giản, nhưng lại rất tinh tế, giúp tôn lên vẻ đẹp sắc sảo của từng lưỡi dao. Cách sắp đặt này như một lời nhắc nhẹ nhàng: mỗi sản phẩm thủ công không chỉ là vật dụng, mà còn phản chiếu giá trị, câu chuyện và tâm huyết của người làm ra nó.

Khu trưng bày nghệ thuật “REFLECTION” tạo ấn tượng mạnh với những con dao treo lơ lửng giữa không gian gương kính, tạo nên hiệu ứng phản chiếu đầy sống động.
Khu trưng bày nghệ thuật “REFLECTION” tạo ấn tượng mạnh với những con dao treo lơ lửng giữa không gian gương kính, tạo nên hiệu ứng phản chiếu đầy sống động. Hình: Bean JP

🍢 Bữa Tối Thịnh Soạn Trong Không Gian Izakaya Ấm Cúng

Quán: Tensen

Địa chỉ: 1162-2 Omiyacho Zennoji, Kyotango, Kyoto 629-2504

Đầu bếp chế biến món ăn trực tiếp trong không gian ấm cúng với thiết kế mở, ánh sáng dịu nhẹ, mang đến trải nghiệm tinh tế cho thực khách
Đầu bếp chế biến món ăn trực tiếp trong không gian ấm cúng với thiết kế mở, ánh sáng dịu nhẹ, mang đến trải nghiệm tinh tế cho thực khách. Hình: Bean JP

Kết thúc hành trình, cả đoàn dừng lại ăn tối tại một nhà hàng Izakaya đặc biệt mang tên Tensen, nằm tại Kyotango. Tên quán là “Tensen” – được viết bằng hai ký hiệu đơn giản: một dấu chấm tròn (●) và một gạch ngang (―). Theo cách đọc trong tiếng Nhật, ● là “ten”, còn ― là “sen”. Gộp lại là “Tensen” – giống như một dòng chảy bắt đầu từ một điểm nhỏ và cứ thế tiếp nối, không ngắt quãng. Tôi nghĩ đó chính là ý nghĩa sâu xa mà quán muốn gửi gắm – không chỉ là hình ảnh biểu tượng, mà còn là mong muốn mang đến một trải nghiệm ẩm thực trọn vẹn, duy trì sự chăm chút đều đặn và trải nghiệm ẩm thực ổn định, đáng tin cậy cho khách hàng. Một dòng chảy không ngắt – như chính nỗ lực bền bỉ của những người làm quán để mỗi lần ghé lại, khách đều có thể cảm nhận được sự ấm áp và tinh tế không thay đổi theo thời gian.

Từ ngoài nhìn vào, ngôi nhà gỗ kiểu Nhật bình dị không có gì nổi bật, nhưng khi bước vào bên trong thì hoàn toàn bất ngờ: một không gian ấm cúng, bài trí hiện đại, tinh tế, ánh sáng dịu nhẹ, và quầy bếp mở để thực khách có thể nhìn thấy đầu bếp chế biến món ăn trực tiếp.

Nhà hàng chuyên về các món nướng phong cách yakitori, nhưng cách trình bày món ăn lại cực kỳ tỉ mỉ và khác biệt. Tất cả món ăn mang ra đều được phục vụ trên những chiếc đĩa thủ công, hoa văn thanh nhã. Món ăn tuy đơn giản nhưng vừa miệng, đậm vị, và không cần chấm thêm gì cũng đủ ngon. Yakitori của quán có đặc điểm là lớp da gà được nướng vàng cắn vào giòn tan trong khi phần thịt thì mềm mại thanh ngọt tự nhiên. Khi tìm hiểu thêm tôi mới biết gà mà quán cung cấp là gà tươi được giết mổ ngay trong ngày để phục vụ khách.

Cảm giác ăn tối ở đây giống như một phần thưởng dịu dàng sau một ngày dài học hỏi và khám phá — ấm áp, nhẹ nhàng, và trọn vẹn.

Chắc chắn lần tới, tôi sẽ đưa cả gia đình đến đây để thưởng thức một bữa tối tuyệt vời.

 

Một ngày, ba điểm đến – nhưng trải nghiệm thì đọng lại rất sâu. Bạn đã từng có một chuyến đi nào khiến bạn học hỏi và cảm nhận nhiều như thế chưa? Tôi không chỉ học được về đũa, dao hay món Heshiko, mà còn học được cách làm du lịch, cách truyền tải văn hóa, và cách để mỗi người đều có thể “mang một phần của nơi đó về nhà”.

Fukui – hẹn gặp lại, tôi nhất định sẽ quay trở lại!
 

© 2025 Bean JP.

Bài viết và hình ảnh trong bài là một phần trong hành trình cá nhân của mình. Vui lòng không sử dụng lại khi chưa được cho phép. Cảm ơn bạn!

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
75521891_10219755111171233_356485979239874560_n.jpg

About Me

Sharing insights into Japanese culture, language, and business. Living in Japan for years, I aim to bridge cultures and inspire others.

Read More

 

©2025 Bean JP. All Rights Reserved.

  • Facebook
  • Instagram
  • Amazon
  • LinkedIn
bottom of page