Tắm Cùng Con: Sự Khác Biệt Giữa Văn Hóa Nhật Bản & Việt Nam
- Binh Nguyen
- 6 thg 3
- 5 phút đọc
Đã cập nhật: 6 thg 3
Người Nhật có thói quen tắm cùng con, trong khi ở Việt Nam, bố mẹ thường chỉ tắm cho con chứ không tắm chung. Điều này phản ánh sự khác biệt lớn trong quan niệm về sự gần gũi và tính riêng tư trong sinh hoạt gia đình giữa hai quốc gia. Nếu ở Nhật, việc tắm cùng con không chỉ là một thói quen mà còn được xem là cách gắn kết tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Trong khi đó, ở Việt Nam, việc tắm cho con thường chỉ mang tính trách nhiệm, tập trung vào việc chăm sóc và đảm bảo vệ sinh cá nhân cho bé, hơn là một khoảng thời gian kết nối gia đình. Sự khác biệt này bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó có thói quen sinh hoạt, văn hóa và quan niệm về sự riêng tư. Đây là một trong những khác biệt lớn mà mình nhận ra khi mới sang Nhật.
Ban đầu, mình cũng thấy lạ. Với trẻ sơ sinh, chuyện tắm chung không có gì bất thường. Nhưng khi trẻ lớn hơn – khoảng từ 3 tuổi trở lên, đã có khả năng giao tiếp và nhận thức rõ hơn về giới tính và cơ thể – thì ở Việt Nam, bố mẹ thường chỉ tắm cho con xong rồi mới đến lượt mình. Ngược lại, ở Nhật, bố hoặc mẹ luôn tắm chung với con khi còn nhỏ. Bố có thể tắm cùng con gái, mẹ có thể tắm cùng con trai. Và ngay cả khi con lớn, họ vẫn cùng con vào những nhà tắm công cộng.
Điều này xuất phát từ văn hóa tắm công cộng của người Nhật. Họ quen với việc tắm ở sento (nhà tắm công cộng) hoặc onsen (suối nước nóng), nơi mọi người tắm chung mà không mặc quần áo. Do đó, việc bố mẹ tắm cùng con là điều hoàn toàn bình thường. Ở Việt Nam, việc phơi bày cơ thể trước mặt người khác – ngay cả trong gia đình – thường bị xem là nhạy cảm, đặc biệt là với thế hệ 8x như mình, khi mà các ông bố bà mẹ vẫn mang tư duy truyền thống.
Khi mới sang Nhật, lần đầu đi tắm onsen với bố vợ, mình cũng rất ngại. Cảm giác đứng giữa một không gian xa lạ, phải cởi bỏ toàn bộ quần áo trước mặt người khác, đặc biệt là một người thân trong gia đình mới, khiến mình thực sự lúng túng. Mình loay hoay mãi, che chắn đủ kiểu, nhưng rồi cũng không thể tránh được việc phải hòa nhập với văn hóa này. Nhưng sau vài lần, mình dần quen và thấy nó là chuyện bình thường. Ở các nhà tắm công cộng tại Nhật, trẻ em dưới 6 tuổi có thể vào khu vực tắm của bố hoặc mẹ. Nghĩa là bé trai có thể vào nhà tắm nữ cùng mẹ, bé gái có thể vào nhà tắm nam cùng bố. Nhưng từ 6 tuổi trở lên, theo quy định, trẻ phải vào khu vực tắm tương ứng với giới tính của mình.
Một điểm khác biệt nữa là cách thiết kế phòng tắm ở Nhật. Hầu hết các nhà đều có bồn tắm, khác với kiểu tắm đứng phổ biến ở Việt Nam. Nhà vệ sinh cũng được tách riêng, không gộp chung với phòng tắm. Với thiết kế kiểu Việt Nam, không gian tắm chung không tiện lợi, vì vòi sen chỉ có một cái và diện tích nhà tắm thường nhỏ. Người Việt có thói quen tắm nhanh để tiết kiệm nước và thời gian. Mình còn nhớ mỗi lần tắm lâu, mẹ mình lại lo lắng bảo "tắm gì mà tốn nước", "tắm lâu dễ cảm lạnh"... nên dần dần văn hóa tắm nhanh, tắm gọn được hình thành. Trong khi đó, ở Nhật, tắm là khoảng thời gian thư giãn, ngâm mình, thường kéo dài không dưới 30 phút.
Tắm kiểu Nhật có tốn nước không? Chắc chắn là tốn nước và năng lượng hơn ở Việt Nam. Tuy nhiên, người Nhật có cách tiết kiệm nước khá hiệu quả. Trước khi vào bồn tắm, mọi người đều phải tắm sạch sẽ – gội đầu, kỳ cọ toàn bộ cơ thể. Sau đó, nước trong bồn được giữ lại để những người khác trong gia đình có thể tiếp tục ngâm mình, chứ không xả ngay sau mỗi lần sử dụng. Nhờ vậy, dù tốn nước hơn so với kiểu tắm nhanh của người Việt, nhưng vẫn đảm bảo hạn chế lãng phí một cách hợp lý. Ban đầu mình cũng thấy lạ, nhưng sau quen dần. Khi ra khỏi bồn, mình sẽ dội lại một lượt để đảm bảo sạch sẽ. Như vậy, bồn tắm không chỉ giúp cơ thể thư giãn trong làn nước nóng sau một ngày dài mệt mỏi, mà còn là một phần quan trọng trong thói quen chăm sóc sức khỏe và tinh thần của người Nhật.
Bồn tắm ở Nhật cũng rất hiện đại, có hệ thống điều khiển tự động. Nước được bơm và làm nóng bằng khí ga, không dùng điện. Nhà tắm còn có hệ thống lọc khí và sưởi ấm. Ở Việt Nam, những tiện ích như vậy thường chỉ có ở spa hoặc resort, nhưng tại Nhật, đây là tiêu chuẩn trong các gia đình. Bồn tắm thường được sử dụng vào mùa thu, mùa đông hoặc những ngày lạnh. Tuy nhiên, người Nhật có thói quen tắm nước nóng quanh năm, với nhiệt độ từ 39-41°C. Cá nhân mình thấy điều này rất phù hợp, vì mình vốn không thích tắm nước lạnh.
Cá nhân mình cảm thấy việc tắm chung với con giúp hai cha con gắn kết hơn. Sau một ngày bận rộn, ngoài thời gian ăn cơm, thì lúc đi tắm cũng là thời gian để hai bố con trò chuyện, chơi đùa cùng nhau. Bé nhà mình thường mang rất nhiều đồ chơi vào bồn tắm – lúc thì khủng long, lúc thì viên bi phát sáng, lúc thì mô hình côn trùng… Làm sạch cơ thể xong hai cha con ngâm mình trong bồn cũng là lúc bắt đầu những trận thuỷ chiến, những màn té nước vào nhau không ngớt. Đương nhiên khi hai bên đối đầu bạn luôn phải là người dành phần thua cuộc để thằng nhóc yêu thích việc tắm rửa mỗi ngày cùng bạn. Như vậy có thể thấy Ở Nhật, giờ tắm cũng là giờ chơi chứ không chỉ là lúc làm sạch cơ thể. Trong khi đó, ở Việt Nam, tắm thường chỉ đơn giản là kỳ cọ thật nhanh rồi ra ngoài.
Mình nghĩ nếu nhà có bồn tắm, các bố mẹ Việt Nam cũng có thể thử tắm cùng con. Điều này không chỉ giúp trẻ cảm thấy thư giãn hơn mà còn tạo ra cơ hội để cha mẹ và con cái trò chuyện, chia sẻ những câu chuyện trong ngày một cách tự nhiên. Ngoài ra, việc tắm chung có thể dần dần giúp trẻ hình thành thói quen tự lập trong việc vệ sinh cá nhân, như học cách tự gội đầu, xả nước hay tự rửa mặt đúng cách. Điều này giúp trẻ phát triển kỹ năng tự chăm sóc bản thân một cách tự nhiên. Đây cũng là khoảng thời gian để gắn kết tình cảm gia đình theo cách vui vẻ và ý nghĩa ngoài vấn đề vệ sinh cá nhân đơn thuần. Bạn có muốn thử trải nghiệm này cùng con không?

📌 Bài viết được biên soạn bởi Bean JP.
© 2025 Bean JP. Mọi quyền được bảo lưu. Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ để nhiều người cùng đọc và thảo luận nhé! 🚀
💬 Bạn nghĩ sao về sự khác biệt này? Hãy để lại bình luận bên dưới và cùng trao đổi nhé! 😊
Comments